Nếu như trước đây, kiến trúc sư rất khó thuyết phục gia chủ chừa diện tích nhà cho giếng trời để lấy sáng và đối lưu không khí, thì nay mọi chuyện đã dễ dàng hơn.
Với những ngôi nhà phố dạng ống hiện nay, giếng trời là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thiếu ánh sáng và không thông thoáng tự nhiên.
Giếng trời thường được thiết kế để lấy sáng và thông gió cho các không gian tiếp xúc như cầu thang, nhà vệ sinh hoặc phòng ngủ. Trên mái thường sử dụng tấm lợp thông minh để chiếu sáng và ngăn mưa.
Giếng trời xuất hiện ngày càng nhiều trong các ngôi nhà phố. (Ảnh minh hoạ)
Không ít gia chủ mở giếng trời nhưng lại bít mái bằng tôn sáng hoặc kính. Cách thiết kế này chỉ giải quyết được vấn đề lấy sáng, không khí sẽ không đối lưu được. Do đó, mái giếng trời nên có khoảng hở, nhưng vẫn phải đảm bảo tác dụng ngăn mưa.
Đưa thiên nhiên vào nhà
Những ngôi có diện tích lớn nên mở ban công về phía giếng trời như nhà lệch tầng. Khi đó, gia chủ có thể điểm xuyến bằng hoạ tiết lan can của ban công.
Cùng với sự đa dạng của vật liệu xây dựng và kỹ thuật hiện đại, giếng trời ngày càng được cải biên và thiết kế theo nhiều phong cách khác nhau. Tất cả hướng đến mục tiêu mang lại không gian sống tốt hơn cho gia chủ, tăng tính thẩm mỹ.
Lấy sáng và đối lưu không khí là hai ưu điểm của giếng trời. (Ảnh minh hoạ)
Nếu không gian ngôi nhà cao, hẹp và ánh sáng yếu, gia chủ có thể thiết kế giếng trời như một thác nước, một vách nổi để đưa thiên nhiên vào nhà, biến nơi đây thành "lá phổi" của ngôi nhà.
Lựa chọn vật liệu
Nhược điểm của giếng trời là gây tiếng ồn. Vì vậy, gia chủ cần sử dụng các vật liệu chống ồn. Khu vực trồng cây hoặc thác nước nên có giải pháp chống thấm. Nơi trồng cây phải thuận tiện cho việc tưới nước.
Các vật dụng treo ở thành cầu thang, giếng trời phải dễ dàng tháo lắp. Tại những cửa sổ hành lang mở ra giếng trời phải bố trí lan can an toàn cho trẻ nhỏ. Lưu ý không nên bố trí chỗ ngồi ngay chân giếng trời để đảm bảo an toàn.
Đối lưu không khí
Bản chất của giếng trời là tạo ra hiệu ứng đối lưu không khí từ dưới lên trên bên trong ô giếng. Luồng không khí đối lưu này sẽ thoát ra miệng giếng mang theo khí "bẩn", còn khí "sạch" bên ngoài sẽ được hút vào.
Cơ chế tạo ra hiệu ứng đối lưu tự nhiên là sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài nhà, đồng thời hiệu ứng áp suất âm kiểu "súng phun sơn" ở trên miệng giếng khi có gió trời. Để phát huy hiệu quả, đường đi của luồng không khí đối lưu phải thông thoáng.
Tiểu cảnh
Phần diện tích giếng trời ở tầng dưới cùng thường được sử dụng để trang trí, làm tiểu cảnh hoặc có thể hoà vào không gian chức năng nào đó như phòng khách, phòng ăn, sảnh.
Trồng cây xanh ở giếng trời nên chọn các loại cây ít tốn công chăm sóc, không gây hại và không có mùi hương nồng.
Giếng trời cho nhà diện tích nhỏ
Đối với những nhà phố có diện tích nhỏ hẹp, đa số gia chủ đều ý thức được tầm quan trọng về vật lý kiến trúc và thẩm mỹ nội thất khi có giếng trời. Phương án thiết kế phải có giếng trời để biến nơi tối tăm của ngôi nhà thành nơi sáng nhất và thông gió tự nhiên.
Trường hợp nhà đủ rộng và có sân sau, giếng trời thường được bố trí ở khu vực giữa nhà, mang lại tầm nhìn thoáng đãng. Tuỳ vào hình dạng khu đất, giếng trời sẽ được đặt rải rác tuỳ theo bố cục.
Nhà nhỏ vẫn có thể thiết kế giếng trời. (Ảnh minh hoạ)
Diện tích mặt bằng nhà khoảng 50m2 nên bố trí giếng trời dọc theo cầu thang một vế men theo tường. Đây là loại giếng trời có tính thẩm mỹ và phù hợp với nhà diện tích nhỏ.
Trong một số trường hợp, giếng trời hẹp và chỉ là khe sáng nhưng mang lại hiệu quả đối lưu không khí rất tốt. Khi đó, các lam che nắng hay khuếch tán ánh nắng vẫn được tận dụng dưới lớp kính hoặc nhựa để mang lại ánh sáng dịu nhẹ cho không gian bên trong.
Theo VietNamNet