Máy rửa bát đang ngày càng phổ biến hơn trong căn bếp của nhiều gia đình, thế nhưng sử dụng máy rửa bát thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm điện là điều không phải ai cũng nắm được.
Dùng máy rửa bát thay cho rửa bằng tay không chỉ khiến bạn tiết kiệm thời gian, không làm hại da tay mà còn giúp bát đũa được tẩy rửa, tiệt trùng sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, hãy chú ý tới những điều sau để bảo quản máy rửa bát, giúp việc sử dụng đạt hiệu quả tốt nhất và tiết kiệm năng lượng nhất:
Rửa qua bát đũa trước khi cho vào máy
Nhiều người có thói quen rửa qua bát đĩa trước khi cho vào máy để loại bỏ bớt cặn bẩn, tránh làm máy bị tắc nghẽn, lâu dần sẽ làm hỏng máy. Tuy nhiên, với tính hiện đại của các loại máy rửa bát hiện nay, chúng có đi kèm cảm biến mức độ bẩn, nếu bát đĩa không quá bẩn, nó sẽ thiết lập chu kỳ rửa bát ngắn hơn.
Vậy nên việc bạn rửa qua bát đĩa trước chỉ vừa làm bạn tốn thời gian, vừa khiến lãng phí điện, nước không cần thiết.
Xếp nồi lộn xộn
Khi đặt nồi vào máy, nếu không chú ý, bạn sẽ chặn dòng nước phun lên các bát, đĩa phía dưới khiến chúng không được làm sạch. Tốt nhất, hãy "tự mình ra trận" rửa những nồi, chảo có kích thước lớn, chiếm diện tích rộng bằng tay để đảm bảo bát đĩa trong máy được làm sạch hợp vệ sinh.
Không làm vệ sinh các viền, gioăng cao su
Lớp cao su là nơi tích tụ vi khuẩn sau các lần rửa bát, để máy rửa chén không trở thành "ổ vi khuẩn" hãy dùng bàn chải đánh răng cũ và nước xà phòng để làm sạch các viền, gioăng cao su này vài tháng 1 lần.
Nếu muốn máy rửa chén hoạt động hiệu quả, hãy dùng các loại nước rửa, xịt thích hợp để giúp chúng loại bỏ cặn canxi, dầu mỡ tích tụ và các vết rỉ xét từ nước đọng, đồng thời khử mùi cho máy.
Không sử dụng nước rửa bát
Nếu sau khi rửa bát, bát đũa vẫn còn hơi ẩm, cốc chén có vệt nước thì đó có thể là do bạn đã không sử dụng hóa chất tẩy rửa. Máy rửa chén hiện nay đều làm khô bằng cách sử dụng nước nóng kết hợp với chất trợ rửa chứ không phải bằng khí nóng. Mà chất trợ rửa này là các hợp chất hóa học làm giảm sức căng bề mặt của nước, giúp hạn chế các giọt nhỏ hình thành, để lại vết ố bẩn trên bát đĩa. Đồng thời, chúng cũng giúp bát đĩa nhanh khô hơn, để bạn yên tâm cất đi cho lần sử dụng sau.
Cho bát đũa sạch bẩn khác nhau vào cùng một mẻ lớn
Một số bát đĩa cần thời gian làm sạch lâu hơn để làm sạch triệt để, vì thế, trước khi xếp vào máy hãy phân loại bát đĩa theo mức độ sạch bẩn của chúng để máy hoạt động được tốt nhất. Hãy làm đầy từ sau ra trước để tối đa hóa không gian xếp bát đĩa. Bên cạnh đó, cần chú ý đặt dao kéo hướng xuống dưới, để tránh nguy cơ gây xước, hỏng máy rửa chén. Và nếu được, hãy tránh bỏ các loại dao, thớt gỗ, vật dụng sắc nhọn vào máy rửa vì có thể làm ảnh hưởng tới bề mặt các vật dụng khác trong quá trình rửa, cũng dễ làm hỏng máy hơn.
Chỉ sử dụng duy nhất một chế độ rửa
Các loại máy hiện nay đã được cài đặt nhiều tính năng giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, sử dụng tính năng phù hợp cho bát đĩa nhà mình, tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng chế độ Auto (tự động) hoặc Normal (thông thường) cho việc vệ sinh bát đĩa, bạn đang bỏ lỡ nhiều tính năng linh hoạt khác của máy đấy.
Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tùy vào độ bẩn của bát đĩa để cân nhắc sử dụng chu trình phù hợp, đặc biệt là khi tẩy rửa các loại đồ nấu ăn bám bẩn, khó tẩy hơn như nồi, chảo...
Nhiệt độ nước dưới 50 độ C (120 độ F)
Máy rửa bát sử dụng nước nóng như một lợi thế giúp tẩy sạch và sát khuẩn hoàn hảo cho chén đĩa, vì thế bạn cần đảm bảo rằng nước đủ nóng để bát đĩa được rửa sạch sẽ. Nhiệt độ nước quá thấp có thể khiến bát đĩa không được làm sạch đúng cách.
Lời khuyên là hãy chạy nước nóng cho máy rửa chén khoảng 30 giây trước khi bắt đầu rửa, để đạt hiệu quả tốt nhất. Bạn cũng có thể điều chỉnh độ nóng của nước bằng bộ ổn định nhiệt trên máy. Lưu ý, máy rửa chén cần khoảng 2 phút để làm nóng nước thên 1 độ và hầu hết các chu trình rửa đều cần nước ở khoảng 57 độ C ( tương đương 135 độ F). Nếu nước ở mức nhiệt thấp hơn, quá trình rửa bát của bạn có thể kéo dài thêm khoảng 60 phút. Điều này vừa gây lãng phí điện, nước vừa khiến bát đĩa không đủ sạch sẽ./.